Giữa bối cảnh diện tích nuôi hàu đang quá tải khiến cho môi trường cạn kiệt phù du thì việc nuôi một thứ chỉ ‘ăn’ ánh sáng và muối khoáng trở nên khá hứa hẹn.
Sau 2 tháng lớn gấp 10 lần
Buổi sáng hôm đó, tôi đã được thưởng thức nó trên bập bềnh sóng nước nhà bè của HTX Phất Cờ ở xã Hạ Long, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Từng miếng chua chua, cay cay, cứ giòn tan, sậm sựt ở trong miệng và để lại hậu vị rất lâu. Đó chính là món rong sụn ngâm dấm ớt.
Ông Nguyễn Sỹ Bính – Giám đốc HTX cho biết hơn 1 năm trước mình đã thử nghiệm nuôi rong sụn ở vùng biển này, nhận thấy chúng phát triển rất hợp, chỉ có mỗi làm sao để tránh cá dìa đớp hết bởi đây là món khoái khẩu của nó. Với cá dìa, phòng bằng cách đánh bắt thủ công thì chưa triệt để, còn dùng lưới quây kín cả khu nuôi rong sụn lại thì do diện tích rộng nên khá đắt đỏ.
Dưới cơn mưa phùn lây rây trải kín mặt biển, tôi đi trên lối mòn ghép bằng các thanh nhựa để ra thăm những dây rong sụn giống đang nặng trĩu. Vừa giũ cho sạch lớp tảo biển bám quanh thân rong, anh Đặng Xuân Tiến – người quản lý các dự án nuôi biển của STP Group vừa kể, đơn vị mình là tập đoàn đầu tiên nghiên cứu chuyên sâu về đối tượng nuôi mới này, đã đưa ra miền Bắc thử nghiệm vào tháng 5 năm 2022.
Anh Đặng Xuân Tiến đang kiểm tra rong sụn giống. Ảnh: Tiến Thành.
Mục tiêu của tập đoàn là sản xuất giống, vật liệu nổi phục vụ cho nuôi trồng cung cấp cho các doanh nghiệp, chủ hộ, thiết lập chuỗi liên kết, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm. Hiện sản phẩm từ rong sụn đã được xuất khẩu sang Indonesia và nội tiêu có bán cho công ty thạch rau câu Long Hải.
Ở Cẩm Phả, STP Group đang có dự án với sự tham gia của 15 hộ nuôi theo kiểu xen canh, cứ 1 dây rong là 1 dây hàu. Giống được xuống vào hồi tháng 2, dự kiến sau 60-70 ngày là có thể thu hoạch lứa đầu. Khi nuôi xen canh, rong điều hòa nước, lọc nước, hàu phát thải ra những chất dinh dưỡng làm thức ăn thêm cho rong, kiểu cộng sinh ấy giúp cả hai đều phát triển khá nhanh và khỏe mạnh.
Ở Vân Đồn, Tập đoàn STP (Trường Phát) có mô hình nuôi rong chuyên canh tại xã Hạ Long trên quy mô 3 ha, mỗi năm thu 3 vụ và 1 vụ giữ giống từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau. Mỗi 1 ha được thả 13 dây dọc, mỗi dây dọc chứa 400 dây ngang, mỗi dây ngang chứa 8-9 bụi rong, mỗi bụi cấy 150-200 gram giống. Các dây dọc thả rong sụn có kết cấu tương tự như dây thả hàu, được giữ nổi bằng phao nhựa HDPE để cho chúng lơ lửng trong nước.
Sau 70 ngày mỗi bụi rong đạt trọng lượng trung bình 2 kg, bụi lớn đạt 2,5-3 kg. Vậy là, mỗi dây có thể thu được 6-7 tấn/lứa, sau khi giữ lại 10-15% để làm giống cho vụ tới, chúng được xuất bán tươi 3.000đ/kg, khô 45.000đ/kg (khoảng 9-10 kg tươi sẽ cho ra được 1 kg khô). Trong điều kiện nuôi xen canh, rong lớn nhanh hơn hẳn, thay vì 2 kg/bụi như chuyên canh là 3 kg/bụi, thay vì 70 ngày/lứa như chuyên canh là 60-65 ngày/lứa.
Rong giống chuẩn bị mang đi buộc. Ảnh: Tiến Thành.
Bên cạnh mô hình chuyên canh đó, ở xã Hạ Long còn có 8 hộ nuôi rong sụn xen canh với hàu như là một cách “cho trứng vào hai giỏ”, để không bị thiệt hại đến mất trắng khi một đối tượng gặp dịch bệnh hay bết bát về đầu ra. Hiện tại 8 hộ nuôi này đã sản xuất được 3 vụ, có thể tự để giống dưới sự hỗ trợ kỹ thuật của STP. Khó nhất vẫn là chuyện dưỡng giống vào mùa đông lạnh, lúc đó họ phải cho rong sụn vào ô lồng lưới, hạ sâu xuống để có nhiệt độ nước ấm hơn, đồng thời vây lưới xung quanh để tránh cá dìa ăn mất.
Năm ngoái, ở xã Bản Sen, Tập đoàn STP (Trường Phát) có chương trình mua phao nổi tặng rong giống, thử nghiệm cho 5 hộ để nuôi xen canh. Nhờ đó, thời gian thu hoạch của hàu rút đi được 1 tháng, chúng nhanh béo hơn nuôi chuyên canh, mật độ cao thông thường. Hiện những hộ này vẫn đang duy trì mô hình và rong ở trong giai đoạn dưỡng giống cuối tháng 4 để có thể tách ra nuôi đại trà khi trời nóng.
“Trước khi sản xuất chúng tôi sẽ ký hợp đồng bao tiêu với bà con. Tiềm năng cho cây rong sụn ở miền Bắc là khá tốt, hàu nuôi 1 năm mới thu hồi vốn trong khi cũng 1 năm ấy, rong lại cho tới 3-4 vụ. Chất lượng rong sụn nuôi ở miền Bắc tốt hơn miền Nam nhưng lại thua kém về năng suất. Vì là đối tượng nuôi mới nên hiệu quả của rong sụn hãy để thời gian đánh giá”, anh Đặng Xuân Tiến bảo với tôi như vậy.
Trang trại nuôi biển và trải nghiệm của Tập đoàn STP (Trường Phát). Ảnh: Tiến Thành.
Chỉ bền vững nếu đi kèm nhà máy chế biến
Ngót 20 năm nay, huyện Vân Đồn đã có hàng ngàn hộ dân bám vào con hàu để kiếm sống, giờ trước đối tượng nuôi mới là rong sụn không ít người tỏ ra thận trọng, nghe ngóng kết quả thử nghiệm của những gia đình đi tiên phong.
Theo ông Nguyễn Quang Ninh – Phó Chủ tịch UBND xã Bản Sen, rong sụn phát triển nhờ ánh sáng, muối khoáng và sự lưu thông dòng chảy, chúng không sử dụng phù du nên không cạnh tranh thức ăn với con hàu là một lợi thế rất lớn.
Thêm vào đó, rong sụn cũng góp phần vào việc đa dạng đối tượng nuôi biển, không để phụ thuộc quá vào con hàu như bây giờ khiến cho môi trường bị suy kiệt cả phù du và nhiều loại tảo. Tuy nhiên về đầu ra, về giá bán hiện tại của rong sụn vẫn khiến cho nhiều người dân còn ngần ngại, băn khoăn. Bởi thế, rất cần xây dựng nhà máy chế biến rong sụn trước rồi mới có thể thuyết phục người dân bung ra nuôi trên một diện tích lớn được.
Dây thả rong được buộc vào phao tương tự như dây thả hàu. Ảnh: Tiến Thành.
Chuyện về cây rong sụn ở Vân Đồn khiến cho tôi nhớ tới vòng chung kết cuộc thi Khởi nghiệp kinh doanh xanh toàn cầu diễn ra tại Hà Nội năm 2022. Ở đó, ý tưởng về “Carafood” của thí sinh Nguyễn Thu Hồng đến từ tỉnh Khánh Hòa đã đoạt giải nhì nhờ vào enzyme rong sụn:
“Khi trên đất liền không còn đất, tôi nhìn ra biển cả thấy “đất” có rất nhiều. Ngư dân bây giờ nhiều người không đi đánh cá được vì giá xăng dầu lên, vả lại cá cũng không còn mấy nữa nên lâm vào tình trạng nghèo đói. Tôi nghĩ phải nuôi trồng một cái gì đó trên biển để có thể chủ động được. Hình ảnh của cây rong sụn bỗng dưng xuất hiện trong đầu.
Tìm hiểu ở Indonesia, Malaysia người ta trồng rong sụn lại càng thấy thích. Rong sụn vừa giải quyết giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, vừa tăng thu nhập cho nông dân, vừa là nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng, đặc biệt tốt cho mục đích giảm cân, bảo vệ sức khỏe. Tôi định hướng đưa sản phẩm này lên tầm giá trị cao mới bằng phương pháp enzyme. Nhờ đó mà giữ nguyên dinh dưỡng bên trong của rong sụn, kết hợp với enzyme nội tại từ trái cây như thanh long, xoài, chuối…
Cận cảnh rong sụn. Ảnh: Tiến Thành.
Người ta đang nói về kinh tế biển xanh, về đẩy mạnh nuôi biển, không chỉ thực vật mà còn là động vật theo mô hình tuần hoàn. Rong sụn rất dễ phát triển, chỉ cần một miếng lưới trên biển là có thể thả, và chỉ cần nước và ánh sáng mặt trời là chúng lớn lên. Mỗi tỉnh ven biển sẽ có vài trăm ha rong sụn và có một nhà máy chế biến. Việc này sẽ hấp dẫn các bạn trẻ về khởi nghiệp nông nghiệp ở quê và tôi sẽ cung cấp enzyme cho họ.
Giờ đầu tư vào nông nghiệp không chỉ là nông dân đơn thuần nữa mà phải là nông dân có tri thức của một doanh nhân, để tạo ra những sản phẩm tốt và biết cách thương mại hóa chúng. Trong kế hoạch của tôi, 5 năm, 10 năm và lâu hơn thế nữa, cây rong sụn sẽ bao phủ toàn bộ các tỉnh, thành có biển ở Việt Nam”.
Rong sụn là một loài rong biển nhiệt đới, sinh trưởng và có nguồn gốc tự nhiên ở vùng biển châu Á – Thái Bình Dương, chúng được nhập về nuôi ở miền Trung và Nam Việt Nam cách đây hơn 20 năm. Rong sụn có thể chế biến thành các dạng thực phẩm sử dụng trực tiếp, tươi sống hay đã phơi khô. Với thành phần hóa học chủ yếu là carrageenan chiếm khoảng 40-55% khối lượng khô, chất này sử dụng rộng rãi trong chế biến thực phẩm, y dược, mỹ phẩm…
Nguồn: Báo Nông Nghiệp Việt Nam