STP Group được biết là doanh nghiệp đầu tiên nuôi thành công loài rong sụn tại vùng biển Vân Đồn, Quảng Ninh. Cùng với các giải pháp về vật liệu nuôi công nghệ mới, STP đang từng bước góp phần phủ xanh vùng biển tại Quảng Ninh và từ đó nhân rộng tại tỉnh thành ven biển Việt Nam.
Rong sụn – Loài sinh vật biển “xanh” đầy hứa hẹn
Giữa bối cảnh ô nhiễm môi trường báo động từ hoạt động khai thác và nuôi trồng thủy sản, rất cần các giải pháp nuôi trồng mới có tính bền vững. Một trong số đó là việc nghiên cứu và nhân rộng các loài sinh vật mới mang lại giá trị kinh tế xanh.
Rong sụn là loài rong biển nhiệt đới, có nguồn gốc tự nhiên ở vùng biển Châu Á – Thái Bình Dương, chúng đã được nhập về và nuôi tại miền Trung, Nam Bộ cách đây 20 năm. Rong sụn sống và phát triển mạnh mẽ khu vực nước mặn, vùng nước ven biển, ven vịnh, đảo. Rong sống nhờ dinh dưỡng của môi trường nước, từ tảo rêu và các vi chất có lợi trong nước.
Rong sụn là loài có khả năng làm sạch vùng nước, vùng biển nuôi. Khi tích hợp nuôi rong với các loài khác chúng phát huy tác dụng làm sạch môi trường sống, làm sạch nguồn thức ăn. Điều này làm cho chất lượng nuôi trồng thủy sản được cải thiện, đầu ra chất lượng tốt hơn, đáp ứng được các tiêu chuẩn trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ.
Tại Vân Đồn, Quảng Ninh – thủ phủ nuôi hàu có thực trạng là diện tích nuôi hàu quá tải khiến cho môi trường cạn kiệt phù du, hàu không có không gian sinh trưởng, khiến sản lượng kém, hàu gầy, không đạt chuẩn để đầu ra thương mại, xuất khẩu. Chính vì vậy không được giá, dẫn đến nhiều ngư dân chán nản và chưa có giải pháp. Loài rong sụn với những đặc tính vô cùng hứa hẹn bởi dễ sinh trưởng và phát triển trong môi trường nước nhiệt đới như Quảng Ninh.
Mô hình rong sụn đầu tiên tại Quảng Ninh
STP Group là doanh nghiệp đầu tiên nghiên cứu và ứng dụng thành công nuôi rong sụn tại vùng biển Quảng Ninh. Doanh nghiệp này nuôi rong sụn chuyên canh trên quy mô 3ha, mỗi năm thu 3 vụ và 1 vụ giữ giống từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau. Mỗi 1ha được thả 13 dây dọc, mỗi dây dọc chứa 400 dây ngang, mỗi dây ngang chứa 8-9 bụi rong, mỗi bụi cấy 150 – 200gram giống. Các dây dọc thả rong sụn có kết cấu tương tự như thả hàu, được giữ nối bằng phao HDPE.
Ngoài ra, STP Group cũng thử nghiệm thành công mô hình nuôi rong sụn xen canh với hàu sữa. Khi nuôi xen canh, rong điều hòa nước, lọc nước, hàu phát thải chất dinh dưỡng làm thức ăn thêm cho rong. Nhờ cộng sinh mà cả hai loài sinh vật này đều phát triển nhanh và khỏe mạnh. Kết quả cho thấy rong sụn lớn nhanh, mỗi bụi rong đạt trọng lượng trung bình 3kg, mỗi dây có thể thu được 7-8 tấn/lứa. Việc nuôi xen canh là một cách “cho trứng vào hai giỏ”, giúp ngư dân có thêm cơ hội nuôi trồng, gia tăng giá trị kinh tế, vừa tránh phụ thuộc quá nhiều vào con hàu như hiện tại.
Ngoài ra, STP Group đã đưa ra phương thức nuôi rong sụn hiệu quả từ sử dụng vật liệu HDPE chuẩn hợp quy theo QCĐP/QN:08, gồm phao nổi HDPE; giàn nổi HDPE. Vật liệu HDPE đảm bảo thân thiện môi trường, an toàn với sinh vật biển, đặc biệt đảm bảo cho việc nuôi quy mô lớn. Điều này đã minh chứng các nhánh rong sụn trưởng thành phát triển dài, khỏe, trọng lượng tăng gấp 30 – 50 lần so với khối lượng rong kỳ đầu gieo giống. Bên cạnh đó, STP Group tiên phong xây dựng chuỗi liên kết rong sụn cho ngư dân Quảng Ninh. Các bà con tham gia vào chuỗi liên kết được cung cấp giống rong sụn đạt chuẩn, được cung cấp vật tư và hướng dẫn phương pháp nuôi, đặc biệt đảm bảo đầu ra cho bà con với lô rong sụn thương phẩm đạt chuẩn.
Để phát triển kinh tế biển xanh, cần đẩy mạnh nuôi biển theo mô hình tuần hoàn. Rong sụn là một loài được kỳ vọng lớn đóng góp vào chuỗi giá trị nuôi biển xanh không chỉ riêng Quảng Ninh mà còn tại Việt Nam. Chúng vừa giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, vừa tăng thu nhập cho nông dân, vừa là nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng, đặc biệt tốt cho sức khỏe.
Việc cần làm là đảm bảo từ khâu chọn giống kỹ lưỡng, phương pháp nuôi chuẩn từ các vật liệu thân thiện môi trường. Để nhân rộng mô hình này, cần thiết sự chung tay của các bên từ cơ quan chức năng, tới doanh nghiệp và người dân dân, để cùng tìm hiểu, tiếp cận nuôi trồng loài rong sụn này. Trong kế hoạch xa hơn, chúng ta có quyền và tự tin rằng cây rong sụn sẽ bao phủ toàn bộ các tỉnh thành có biển tại Việt Nam.
Nguồn: Báo Tài Nguyên Môi trường
Link bài gốc: https://baotainguyenmoitruong.vn/gop-phan-phu-xanh-bien-van-don-doanh-nghiep-dau-tien-nuoi-rong-sun-thanh-cong-359299.html